Thang máy cáp kéo là gì? Tại sao thang máy cáp kéo được sử dụng phổ biến nhất hiện nay?

Thang máy cáp kéo là gì? Tại sao thang máy cáp kéo được sử dụng phổ biến nhất hiện nay?
5 (100%) 1 vote[s]

Thang máy cáp kéo là gì? Tại sao thang máy cáp kéo được sử dụng phổ biến nhất hiện nay?

Thang máy có rất nhiều loại được phân theo nhiều tiêu chí như mục đích sử dụng, xuất xứ, tải trọng, kích thước, cấu tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ truyền động… Về công nghệ truyền động, thang máy ngày nay có 4 loại chính là thang máy cáp kéo, thang máy trục vít, thang máy thủy lực và thang máy công nghệ chân không. Trong đó, thang máy công nghệ cáp kéo vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng, trở thành dòng sản phẩm được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Vậy thang máy cáp kéo là gì? Điều gì làm cho dòng thang máy này được ưa chuộng? Hãy cùng Thang máy Taiyo đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

1. Thang máy cáp kéo là gì?

Thang máy công nghệ cáp kéo là dòng thang máy sử dụng hệ thống cáp tải để kéo toàn bộ thang máy di chuyển dựa vào động cơ điện, pully và dây cáp giúp thang máy dễ dàng vận hành theo yêu cầu. Cáp tải có tác dụng nâng hạ cabin và đối trọng, là bộ phận chịu toàn bộ tải trọng trong quá trình hoạt động của thang.

Cầu thang máy cáp kéo được sử dụng phổ biến trong hầu hết các loại công trình như văn phòng, tòa nhà cao tầng, căn hộ chung cư, cơ quan hành chính và cả trong các hộ gia đình.

 

                                                  Thang máy cáp kéo được sử dụng phổ biến trong các loại công trình

2. Cấu tạo cơ bản của thang máy cáp kéo

– Tủ điện: tủ điện cung cấp nguồn năng lượng và là trung tâm điều khiển hoạt động của thang máy.

– Máy kéo: di chuyển cabin bằng cáp tải.

– Bộ báo tải: xác định tải trọng cabin.

– Bộ chống vượt tốc: phát hiện quá tốc.

– Cáp của bộ chống vượt tốc: được nối với bộ chống vượt tốc để kích hoạt thắng cơ.

– Thắng cơ: dừng cabin lại khi nhận được tín hiệu từ bộ chống vượt tốc.

– Puly căng cáp của bộ chống vượt tốc: tạo độ căng thích hợp cho cáp của bộ chống vượt tốc.

– Cáp hành trình: cung cấp tín hiệu điện và nguồn điện cho cabin.

– Cabin: không gian nơi chứa hành khách hoặc hàng hóa.

– Khung cabin: khung đỡ cabin.

– Bộ truyền cửa tầng: thiết bị mở và đóng cửa tầng.

– Khung an toàn trên đầu cabin: ngăn người làm việc khỏi bị rơi xuống hố thang máy trong quá trình bảo trì hoặc kiểm tra trên đầu cabin.

– Puly treo cabin: bộ phận dùng để treo cabin và đối trọng bằng cáp tải.

– Ray dẫn hướng: dẫn hướng cho cabin và đối trọng di chuyển theo chiều thằng đứng, tránh lệch khỏi chiều di chuyển.

– Shoe dẫn hướng: dẫn hướng cabin và đối trọng chạy dọc theo ray dẫn hướng.

– Cáp tải: cáp nối cabin và đối trọng để truyền lực dẫn động của máy kéo đến cabin và đối trọng.

– Đối trọng: cân bằng khối lượng cabin.

– Bao che đối trọng: tấm bảo vệ để người làm việc không tiếp xúc với đối trọng.

– Xích bù trừ: thiết bị giúp bù trừ khối lượng cáp tải.

– Bộ giảm chấn: giúp dừng cabin hoặc đối trọng khi chúng đi xuống quá giới hạn cho phép và hấp thụ chấn động của cabin hoặc đối trọng khi chúng va vào thiết bị này.

– Hộp vận hành HIP: thiết bị được lắp đặt ở tầng trên cùng để vận hành cabin trong quá trình thang máy được bảo trì hoặc kiểm tra.

 
              Hình ảnh cấu tạo cơ bản của thang máy cáp kéo

Hiện nay còn có loại thang máy không phòng máy, với cấu tạo tương tự nhưng được loại bỏ phòng máy. Các thiết bị điện sẽ được lắp đặt ngay trong giếng thang, thường nằm ở trên đầu tầng trên cùng. Điều này giúp tiết kiệm không gian lắp đặt, phù hợp những công trình bị hạn chế về chiều cao.

Trong thang máy cáp kéo, bộ phận đối trọng không thể thiếu. Dây cáp nâng cabin phải được kết nối với một đối trọng treo ở phần bên kia của cabin để đảm bảo cân bằng trọng lượng. Dây cáp nâng cabin kết nối với đối trọng thông qua dây cáp và puly, đảm bảo thang máy có thể di chuyển theo yêu cầu. Dựa vào bảo toàn năng lượng đã được cân bằng từ đối trọng, thang máy khi kéo lên hay hạ xuống đều không cần nhiều năng lượng. Ngoài ra, bộ phận ray trượt và shoe trượt giúp thang máy có thể di chuyển nhẹ nhàng, không rung lắc và đặc biệt là để dừng cabin thang máy trong trường hợp sự cố xảy ra.

3. Nguyên lý hoạt động của thang máy cáp kéo

Hiểu một cách đơn giản, công nghệ cáp kéo sử dụng những sợi cáp tải để gắn vào đầu cabin thang máy, được đấu vòng xung quanh một puly. Khi điện hoạt động làm quay puly dẫn đến dây cáp kéo theo cabin thang máy di chuyển lên xuống.

Khi có người bấm nút gọi thang, tín hiệu được gửi tới hệ thống điều khiển, sau đó một loạt dữ liệu sẽ được bộ vi xử lý phân tích. Dựa vào tín hiệu yêu cầu thang và vị trí hiện tại của thang, nó sẽ quyết định chiều vận hành. Tín hiệu điều khiển ngay lập tức được đưa tới biến tần điều khiển động cơ quay theo chiều tương ứng. Cabin thang máy được gắn với đối trọng và quấn qua puly của động cơ nên khi động cơ quay, puly cũng quay kéo theo cabin chạy dọc theo ray thang máy đến đúng vị trí và mở cửa.

Nếu cabin chạy quá tốc độ cho phép, bộ phận thắng cơ ngay lập tức hoạt động bằng cách kẹp chặt cabin vào ray dẫn hướng. Khi cửa mở ra, người dùng bước vào trong an toàn thì cửa cabin sẽ tự động đóng sau một khoảng thời gian quy định hoặc đóng lại ngay khi người dùng ấn nút đóng cửa. Khi người dùng chọn tầng, tín hiệu điều khiển sẽ lại được đưa đến bộ vi xử lý, sau đó lại được phân tích và điều khiển động cơ quay đưa cabin theo thứ tự ưu tiên gần nhất và mở cửa.

4. Tại sao thang máy cáp kéo được sử dụng phổ biến nhất hiện nay?

Quay trở lại với câu hỏi tại sao thang máy cáp kéo được sử dụng phổ biến nhất, chúng ta hãy cùng điểm qua những ưu điểm vượt trội của dòng thang máy này nhé:

– Đáp ứng được hành trình dài và tải trọng lớn. Khác với thang sử dụng công nghệ truyền động khác, cầu thang máy cáp kéo có thể đáp ứng đủ các loại tải trọng từ nhỏ đến lớn, loại to nhất có tải trọng lên tới vài nghìn kg. Thang cáp kéo cũng không bị hạn chế về chiều cao hành trình như các loại khác, có thể được ứng dụng trong những tòa nhà chọc trời. Đó là lý do tại sao thang máy cáp kéo phù hợp với đủ lại công trình, từ nhà thấp tầng, căn hộ, chung cư mini, biệt thự, bệnh viện… cho tới nhà cao tầng, chung cư, siêu cao ốc…

– Giá cả hợp lý. Một lợi thế nữa giúp dòng thang máy cáp kéo rất ưa chuộng chính là vấn đề  giá cả. Có thể nói, chi phí phải bỏ ra cho một chiếc thang công nghệ cáp kéo thấp hơn so với các dòng khác. Những chiếc thang máy gia đình cáp kéo, thang máy mini thậm chí có giá chỉ khoảng vài trăm triệu đồng.

– Tốc độ đa dạng. Thang máy cáp kéo có mức tốc độ tùy thuộc vào chiều cao hành trình hoặc vào lựa chọn của chủ đầu tư. Các mức tốc độ phổ biến là 30m/p cho tới 60m/p, những tòa nhà cao ốc có tốc độ cao hơn, từ 90m/p trở lên.

– Đa dạng mục đích sử dụng. Thang máy công nghệ cáp kéo không chỉ ứng dụng trong thang máy tải khách mà còn dùng để tải hàng, tải thực phẩm, chở ô tô, thang tải giường bệnh…

Chính nhờ sự đa dạng trong mục đích sử dụng, tốc độ, tải trọng, chiều cao và mức giá phải chăng mà ngày nay dòng thang máy cáp kéo vẫn được sử dụng phổ biến nhất cho dù các công nghệ thang máy khác đang phát triển không ngừng.

Tuy vậy, thang máy cáp kéo cũng có nhược điểm lớn là hông tiết kiệm diện tích, không tối ưu được không gian như các loại thang máy khác bởi nó đòi hỏi độ sâu hố pit cũng như chiều cao để xây phòng máy. Do vậy, không phải công trình nào cũng có thể đáp ứng đủ điều kiện để xây cầu thang máy cáp kéo, ví dụ như các công trình nhà ở cải tạo. Loại thang máy không phòng máy phần nào đã khắc phục được vấn đề này.

Như vậy, thông qua bài viết, chắc hẳn chúng ta đã nắm được một số kiến thức cơ bản về thang máy công nghệ cáp kéo như thang máy cáp kéo là gì, cấu tạo và nguyên lý hoạt động ra sao, có những ưu – nhược điểm gì. Hy vọng sau bài viết này, khách hàng có thêm sự lựa chọn cho bản thân khi đang tìm kiếm một dòng thang máy phù hợp cho công trình của mình.